Hà GiangĐồng Văn là nơi không thể bỏ qua một khi đến Hà Giang bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp, điểm du lịch nổi tiếng.
Với riêng Đồng Văn, du khách nên dành ít nhất hai ngày. Gợi ý dưới đây của Thu Phương, một du khách đã nhiều lần đến Hà Giang, theo hành trình từ Phố Cáo – Phó Bảng – Sủng Là – nhà Vương – Lô Lô Chải – Lũng Cú và tới trung tâm thị trấn. “Những nơi này đều có đường bê tông, di chuyển được bằng ôtô hoặc xe máy thuận tiện”, Phương cho hay.
Ngày 1
Buổi sáng và trưa
Bắt đầu hai ngày dạo chơi Đồng Văn bằng bữa sáng ở Phố Cáo.
“Nếu bạn đến Phố Cáo vào phiên chợ, hãy đi một vòng để có được bữa sáng no bụng”, Phương cho hay. Các món gợi ý gồm có xôi ngũ sắc, bánh bò, thắng cố, lạp xưởng, thịt gác bếp, cơm lam, cháo ấu tẩu, rượu ngô. Nếu không gặp phiên chợ, du khách vẫn có thể tìm được các món ăn này rải rác trong xã.
Hành trình tiếp tục đến các địa danh khác trên trục QL4C, mỗi điểm sẽ mất khoảng 1-3 tiếng, khoảng cách giữa các điểm gợi ý khoảng 15-35 km.
Đến Phó Bảng du khách sẽ có cảm giác thời gian trôi chậm. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Hoa và Mông với hơn 500 nhân khẩu. Thị trấn vẫn giữ được vẻ đơn sơ, bình dị và cổ kính. Phó Bảng có phần tách biệt và ít được biết đến. “Để vào thị trấn, từ QL4C bạn phải đi thêm gần 5 km”, Phương nói.
Hoa tam giác mạch nở từ tháng 10 ở Sủng Là. Ảnh: Xuân Phương
Sủng Là nằm dưới những vách núi đá tai mèo. Đồng bào dân tộc Mông ở Sủng Là thường trồng tam giác mạch ở các triền đồi cao, hoa sẽ nở rực rỡ vào khoảng tháng 10 và 11. Ở Sủng Là có “Nhà của Pao”, căn nhà của người dân xây dựng năm 1947, chính là bối cảnh cho phim “Chuyện của Pao”. Khoảng sân trước nhà lát đá, trồng mận, mơ, đào, những loài cây đặc trưng của vùng. Căn nhà có kiến trúc đẹp, cảnh quan sẽ còn đẹp hơn ào mùa hoa mơ, đào, mận nở. Điểm đến này thu phí 10.000 đồng mỗi khách.
Hành trình dọc QL4C tiếp tục với Khu dinh thự nhà Vương, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc). Dinh thự có hình mai rùa với những hàng cây sa mộc vươn cao. Hai vòng tường bao xây bằng đá hộc, có lỗ châu mai và bốt canh. Dinh có ba nhà sàn. Nhà chính quay mặt ra cổng, hai nhà phụ song song và vuông góc với nhà chính. Cả ba ngôi nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý.
Rời dinh thự nhà Vương, du khách tiếp tục đi theo QL4C tới ngã ba Ma Lé rẽ trái vào đường Lũng Cú. Thôn Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú.
Buổi chiều tối
Ăn tối và nghỉ đêm ở thôn Lô Lô Chải, nơi những gia đình người Lô Lô, người Mông sinh sống. Đây là nơi gần như vẫn lưu giữ được trọn vẹn nét văn hóa xưa, từ đời sống vật chất, tinh thần, kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng, các nghề truyền thống như thêu, làm mộc hay các lễ hội, các điệu múa dân gian.
Leave a Reply