Du lịch Maldives tự túc 4N5Đ resort 5 sao chỉ 27 triệu

Du lịch Maldives tự túc dường như đã trở thành giấc mơ đối với nhiều người. Để có 1 chuyến du lịch nước ngoài tại nơi đây chắc hẳn bạn sẽ rất bỡ ngỡ. Hãy tham khảo tour tự túc của anh Mai Thanh Phú 4 ngày 5 đêm chỉ 53 triệu đồng cho 2 người nhé.

Review du lịch Maldives tự túc trọn gói 4N5Đ chỉ 53 triệu 2 người

“Mình đi tự túc, chỉ ở 1 đêm 5 sao nên nhiều bạn sẽ so sánh chi phí của mình với chi phí tour trọn gói, nên mình sẽ phân tích các tour trọn gói trước, sau đó sẽ review.

 width=

Giá cả

Tour trọn gói đi du lịch Maldives sẽ có giá giao động từ 30tr-50tr/người, tuỳ thuộc vào hãng hàng không, resort và loại phòng ở resort.

Khách sạn

Với mức giá tầm 40 triệu, thường sẽ bao gồm 2 đêm phòng 5 sao (tuỳ công ty mà bạn sẽ được ở 1 hoặc 2 đêm với phòng nổi trên mặt nước) + 1 đêm khách sạn ở trung tâm thành phố.

Dịch vụ

Chỉ bao gồm ăn 3 bữa ở resort, tham quan thủ đô Malé (Nơi mà bạn tự đi bộ tầm 2 tiếng là hết) và KHÔNG BAO GỒM BẤT CỨ 1 DỊCH VỤ LẶN BIỂN, NGẮM CÁ hay BẤT CỨ HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI NÀO KHÁC.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Và việc không bao gồm này sẽ khiến bạn tốn thêm không phải nhiều tiền mà là rất nhiều tiền để trải nghiệm 1 Maldives thật sự, VD như bạn ra đảo dân sinh, mua 1 tour nửa ngày 3-4 điểm lặn giá 25-50$/người thì ở resort, với giá 5 sao, bạn phải trả tầm 300$ là ít.

VD như team mình có 1 nhóc đi lặn biển (1 điểm) theo dịch vụ resort, giá 240$/slot. => Mua tour 40tr, bạn sẽ trả thêm tầm 15-20tr cho các dịch vụ vui chơi + ăn uống thêm.

Chuyến đi du lịch Maldives tự túc của anh MTP

Chi phí cho 2 người cả chuyến đi

  • Vé máy bay: 12.700.000 đ
  • 2 Đêm khách sạn ở đảo: 3.200.000 đ
  • 1 Đêm phòng sunset over water villa (ăn 3 bữa, không gồm nước): 26.000.000 đ
  • Di chuyển: 1.700.000 đ
  • Tour đi lặn: 3.200.000 đ
  • Chơi dù lượn (1 người): 1.200.000 đ
  • 1 Bữa tối lãng mạn: 1.600.000 đ
  • Còn lại 3.500.000 đ là ăn uống vặt vặt. (Nói chung là chỉ nặng phần resort)

Tổng thiệt hại: 53.000.000 đ

 width=
Anh Phú và vợ chụp hình tại resort ở Maldives.

Thời điểm đi du lịch Maldives tự túc

Mình chọn đi tháng 9, cũng là mùa thấp điểm của Maldives, giá phòng, vé máy bay và tất cả mọi thứ sẽ rẻ hơn. Điểm khác nhau của thời điểm này với mùa hè là sẽ hay có mưa vào đầu giờ chiều, kéo dài từ 2-3 tiếng. Tuy nhiên mình đi đợt này, k dính mưa và trời vẫn rất trong xanh.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Vé máy bay

Từ SG không có chuyến bay thẳng đi du lịch Maldives, mà phải quá cảnh ở Sing/Mã/Thái. Về hãng hàng không thì phổ biến có Scoot và Singapore Airline. Singapore Airline thì khỏi nói rồi, hãng hàng không 5 sao, nhưng giá cũng 5 sao, tầm 10-15 triệu /khứ hồi. Vì vậy, mình chọn Scoot, book trước tầm 4 tháng, vé khuyến mãi của Scoot 6.350.000 đ/người (7kg hành lý xách tay).

Visa

Maldives không yêu cầu visa nên cứ thế mà thẳng tiến.

Khách sạn

  • Ngày 1&2: Stingray Beach Inn (Maafushi, 1.600.000 đ/phòng),
  • Ngày 3: Anantara Dihgu Maldives (5 sao, 26.000.000 đ/phòng)
 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Lịch trình

Thường sẽ có 3 lựa chọn cho bạn:

  • Ở đảo dân sinh
  • Ở thủ đô Male
  • Ở các Resort

Mình chọn 1 & 3 để vừa trải nghiệm được Maldives thiên đường với các resort 5 sao cong cong, phòng nổi trên mặt nước. Vừa tìm hiểu được cuộc sống người dân, và quan trọng là tiết kiệm rất nhiều chi phí: bao gồm khách sạn và các dịch vụ lặn, tham quan.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Ngày 1: HCM – Male – đảo Maafushi

Chuyến đi: Bay 8h55 sáng giờ Việt Nam, đến Male lúc 8h tối (Giờ Maldives, múi giờ +5), quá cảnh ở Singapore tầm 6 tiếng. SG- Sing: bay 2 tiếng, Sing-Maldives: 4h40p. Bay hơi lâu nhưng được cái ghế ngồi của Scoot cũng không đến nỗi quá chật với mình (khuyến cáo ai trên 1m75 thì phải xem lại để chọn chỗ hàng đầu).

Đến sân bay, do mình book speedboat riêng từ sân bay đến Maafushi của iCom Tour nên họ đón mình ngay tại sân bay + chủ động liên hệ với ks mình đã book trước ở Maafushi để đón mình ngay tại bến tàu và đem hành lý về khách sạn. (Bên này làm du lịch rất tốt nhé các bạn, dịch vụ chăm sóc tận răng).

Khách sạn mình ở: Stingray Beach Inn, giá tầm 1tr6/đêm. Khách sạn kiểu trệt, có sân vườn, khuôn viên, có cây cối, mèo, vẹt, có võng ngồi, bồn Jacuzzi… Ban đầu mình cũng tính chọn mấy khách sạn có ban công hướng biển, giá tầm hơn 2 triệu/đêm phòng nhưng cuối cùng vẫn chọn Stingray.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Qua đến đây thì thấy quyết định đó là đúng, vì khách sạn phía ngoài nhìn cũng đẹp, nhưng mà nhìn công nghiệp quá, mất tính local, cũng k có khuôn viên. Ngoài ra Stingray còn có 1 điểm cộng nữa là nhân viên cực kì nhiệt tình và thân thiện.

Ngày 2: Maafushi – Lặn biển nguyên ngày – Đảo Fulidhoo – Ăn tối lãng mạn

Sáng sớm, mình chạy ra văn phòng iCom Tour để book tour đi lặn cho cả nhóm (6 người, tour riêng). (Văn phòng iCom Tour mở từ 7:30-22:00). Nhìn chung, mua tour ở Maldives thì có 3 hoạt động chính như sau (hoạt động phụ thì có mấy môn thể thao trên mặt nươc như đi dù… giá mắc hơn Việt Nam nhiều (VD: Dù 70$/1 người, 100$/2 người, 140$/4 người):

✨ Lặn bình khí

Câu đầu tiên bạn đc hỏi sẽ là: Đã có bằng chưa? Nếu chưa thì bạn phải học, làm các bài test… Giá cả thì cũng tuỳ thuộc vào từng cấp độ. Với lại mình thấy các điểm lặn ở Maldives khá nông, không sâu như Hòn Mun, hay Phú Quốc nên theo mình chỉ cần Snorkeling là đủ.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú
✨ Tour tham quan các resort (bên đó gọi là Excursions)

Tour này bạn có thể book tại tất cả các khách sạn hay văn phòng của iCom, phù hợp với các bạn đi bụi, đi Maldives giá rẻ mà vẫn tham quan được các resort 5 sao chanh sả. Dù chưa đi, nhưng mình thấy thật sự đây là 1 điểm rất hay của Maldives, nó giúp Maldives đắt đỏ trở nên dễ dàng hơn với rất nhiều người.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Khởi hành từ Maafushi, tour này đi nguyên ngày và thường bao gồm:

  • Di chuyển 2 chiều Maafushi – resort
  • Ăn trưa (có nước hoặc không)
  • Sử dụng các dịch vụ của resort (hồ bơi, khăn…) và tuỳ resort thì có bao gồm các dịch vụ chèo thuyền Kayak, thể thao dưới nước không động cơ hay không
  • Giá cả thì giao động tầm 100-200$/người tuỳ thuộc vào resort.
  • Các resort thường có trong tour bao gồm: Taj Exotica (173$, 5*, bonus thêm cho cá đuối và cá mập ăn lúc 5:30pm), Centara (150$, 4*, có Kayak và cho cá ăn chiều tối), Olhuveli (130$, 4*, chỉ ăn), Adaaran Prestige Vaadoo (105$, ăn và ghế nghỉ, khăn tắm), Anantara Dihgu chỗ mình ở (77$, 5*, nhưng không ăn, không dịch vụ gì hết, thêm 123$ đặt cọc, và sử dụng ăn ở các nhà hàng), còn mấy cái 3* khác và mấy cái mình thấy không hấp dẫn nên không ghi, ai cần thì inbox thêm thôi.
  • Dù chưa đi nhưng mình recommend Taj Exotica nha cả nhà, có 1 lần mình thấy 1 chị trên Instagram quay cảnh đạp xe đạp đi dọc mấy cái villa nổi ở đây, đẹp mê hồn. Bữa lúc mình book, k hiểu sao lúc đó nó báo hết phòng nên mình chuyển qua Anantara Dihgu. Lý do chọn thì tẹo nói ở dưới.
 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú
✨ Các gói lặn biển và tham quan đảo khi du lịch Maldives

Đây chính là điểm tuyệt vời nhất ở Maafushi mà mình thấy. Nếu bạn mua các tour lẻ ở resort 5 sao, giá đắt trời không thấu, mua ở đây thì giá rất dễ thở (giá dưới là đi ghép hết nha):

  • Snokerling nửa ngày: 25$, khởi hành 10:30, kéo dài 4-5 tiếng (gồm 4 điểm: 2 điểm lặn (san hô hoặc rùa), đảo Guraidhoo/sand bank (cồn cát giữa biển), 1 ngắm cá heo
  • Snokerling nửa ngày (Recommend): 50$, khởi hành 9h, kéo dài 4-5 tiếng (gồm 4 điểm: đảo Fulidhoo, 1 điểm lặn tự chọn, 1 lặn với cá mập y tá và 1 ngắm cá heo (50-50)
  • Lặn với cá mập gì hoa hoa to bự như ở Cebu: 100$ (à, mới coi lại, là Whale Shark, đi lúc 8h sáng)
  • Câu cá chiều tối, BBQ trên thuyền: 25$, khởi hành 5h chiều.

Tất cả các tour đều đã bao gồm: ăn trưa, khăn, dù ở Sand Bank, kính lặn, và có người chụp hình, qua phim dưới nước cho mình bằng Gopro (Nhưng nói chung là tour ghép nên bạn sẽ có nhiều tấm hình cùng Người lạ ơi).

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Riêng về mình thì vì đi nhóm 6 người nên mình book tour riêng, tự chọn các điểm đi, thời gian từ 10h sáng đến 5h30 chiều, giá 65$/người, gồm các điểm sau:

Banana Reef
(Không recommend)

San hô ít hơn hòn Mun và cá không nhiều như Koh Phi Phi + san hô chết rất nhiều và không đa dạng màu sắc. Ưu điểm: biển nông, và dễ lặn ngắm.

Turtle Reef
Lặn ngắm rùa biển. Ban đầu mình tưởng tượng là mình sẽ đến 1 vùng biển toàn rùa bơi tung tăng, tha hồ nhìn ngắm và chụp ảnh. Nhưng thực sự là không phải như vậy, đến đây bạn phải đi săn rùa, và xác suất cũng là 50-50, anh guide khuyên là nếu đã tìm thấy và chụp hình xong thì nên đi vào để đi tiếp điểm tiếp theo. Và may mắn, mình đã săn được 2 bác rùa cực bự và đẹp.
Ngắm cá heo
Xác suất cũng 50-50 luôn. Từ Turtle Reef, đi thêm 1 chút sẽ đến khu vực cá heo. Người ta sẽ lên trên mũi tàu mà huýt còi gọi cá. Cá heo nghe thấy sẽ nhảy lên tung tăng trên biển.

Mình thấy rất nhiều bạn đi, và được nhìn thấy cá heo khá cận cảnh, nhìn rất mê. Nhưng như mình nói, xác suất 50-50 nên dù tàu mình có cố gắng bơi theo các em ấy để đến gần hơn nhưng vẫn không kịp. Chỉ nhìn thấy xa xa nhưng cũng khá ưng ý.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú
Đảo Fulidhoo

3 điểm trên thì gần nhau, đi rất nhanh sẽ đến, riêng đảo này thì phải chạy thêm tầm 25p, tương đương quãng đường từ Male về Maafushi.

Như mình được biết thì đây cũng là 1 trong những đảo dân sinh lớn của Maldives, nhưng thực ra bạn chỉ đi bộ tầm 20-30 là hết đảo. Ở đây treo rất nhiều cờ xanh, đỏ, hồng đủ màu + chuẩn bị bầu cử nên bangron vàng treo khắp nơi.

Các ngôi nhà thấp, kiểu truyền thống, được sơn rất nhiều màu, người dân thì thân thiện, mình hỏi nhà hàng ăn thì người ra dẫn đi rất tận tình, đứng nhìn xem mình đi đúng chưa. Xong mình thấy tiệm tạp hoá nên rẽ vào, họ tưởng mình đi nhầm, chạy từ xa lại tiệm, gọi mình ra bảo sai rồi, ở kia cơ, cực dễ thương.

Cả đảo có 2 nhà hàng, phía ngoài đảo chỗ tàu cập bến là khu vực ăn trưa dưới mấy tán cây mát rượi, có ghế, võng, xích đu được đan bằng dây thừng, cuối bãi đỗ thuyền có 1 khu tắm biển (Ở Maldives, bạn không được mặc Bikibi chạy lung tung, mỗi đảo đều có 1 khu vực dành riêng cho tắm biển (chỉ các các anh local, mình thấy ảnh muốn nhảy đâu bơi lặn cũng được).

Nurse Shark Bay

Điểm lặn này gần Fulidhoo, và để ngắm cá mập thì phải đợi đến tầm 3h30-4h chiều trở đi cá mới về. Đây là điểm mà mình thấy đẹp và hấp dẫn nhất. (Chắc Whale Shark đẹp hơn nhưng mình không biết bơi nên mấy chỗ cạn cạn này hợp với mình).

Đến đây, ngoài cá mập còn có rất nhiều loại cá khác bơi lội, và đặc biệt là kích thước bự chảng chứ k bé bé như Thái hay VN. Ở trên tàu, thường người ta sẽ cho cá ăn từng tảng đu đủ, dưa hấu… để dụ cá tập trung lại cho dễ ngắm. Bạn sẽ được bơi sát, nhìn cận thậm chí mười, hai chục con cá mập.

Có lúc mải ngắm vì quá đẹp, vây và đuôi của tụi nó cách mình chắc tầm 10-20cm, dù được nói đây là loại hiền và lười biếng nhất thế giới (thế giới là tự bịa), thì vẫn sợ lỡ đụng vào nó quay đầu vô cắn cho 1 phát.

Nhưng cuối cùng vẫn an toàn và chốt lại: Đây là điểm lặn nhất định phải đi ở Maldives và đã thấy thì không còn muốn lên bờ nữa. Quá đẹp!

Sand Bank

Điểm cuối cùng trong tour, là cồn cát giữa biển. Ở Maldives thì nhiều Sand Bank lắm, nói chung phù hợp với các bạn nước ngoài muốn nằm tắm nắng, đọc sách trên bãi biển. Còn lại cũng không có gì đặc biệt lắm.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Về lại Maafushi, đi tàu tầm 40 phút. Điểm hay ngoài tour là trên đường về, bạn sẽ thấy rất nhiều cá chuồn bay trên mặt nước rất đẹp. Trước có nhìn thấy 1 lần trên TV, tưởng là sẽ k bao giờ được ngắm, nên lúc thấy mình rất mãn nguyện.

Tiếp theo là bữa tối, do đi 3 cặp nên cả đám có book ăn tối ngoài biển. Đây cũng là 1 trải nghiệm khá hay, mình book trực tiếp tại khách sạn.

Nói về dịch vụ:

  • Phí set-up: 10USD/người. Bàn được set up ngay bờ biển, đi bộ ra 4 phút, dưới ánh nến, trời thì nhiều sao, gió biển nhẹ nhàng, nhìn ngoài thực sự rất đẹp, lung linh và vượt mong đợi.
  • Về đồ ăn: Đồ ăn thì order tại khách sạn (Hầu hết các ks ở Maafushi đều có nhà hàng, phục vụ cho khách tại ks và khách ngoài luôn). Đồ ăn nhiều, giá hợp lý, từ khoảng tầm 150 – 350.000 đ/ món ăn, nhưng không được ngon lắm, hoặc tại mình không hợp khẩu vị.
  • Về phục vụ: Có 1 người phục vụ riêng cho 3 bàn ngoài biển của mình, mang đồ ăn ra, phục vụ tại bàn nếu mình cần thêm bất cứ cái gì (họ chạy về resort lấy), đến hỏi han xem ăn uống có vừa miệng không, có hài lòng không, chúc vui vẻ… Nói chung chấm 4.5 sao cho phục vụ.
 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Tổng thiệt hại: tầm 1.500.000 đ/2 người bao gồm tất cả.

Ngoài Maafushi, ở các resort cũng có dịch vụ bữa tối lãng mạn trên cát, có phục vụ riêng tương tự, nhưng giá sẽ tầm từ 15-25 triệu/2 người cho 1 bữa tối (give up).

Ngày 3: Du lịch Maldives tại Anantara Dihgu Resort

Sáng chơi ở Maafushi, 10h, tàu đón ra resort (mình thuê tàu riêng, 65$ của Stingray. Nếu thuê của Anantara, giá là 255$) 10h15, tàu đến Anantara Dihgu.

Khi tàu mình đến từ xa, đã có 1 nhóm các nhân việc resort đứng sẵn ở cầu tàu, đánh trống địa phương và hát welcome rất vui nhộn. Bellman sẽ đem hành lý lên quầy check in, mình chỉ ngồi đợi người ta làm thủ tục nhận phòng. Sau đó, xe điện resort chở đi 1 vòng, thăm thú, giới thiệu resort.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Dù quy định là 2h chiều, nhưng 12h trưa mình đã được nhận phòng. Về phòng khách sạn và dịch vụ resort, có thể tham khảo thêm link mình quay chi tiết: https://www.facebook.com/tranglee176/videos/1985534681498033/

Ở Maldives có nhiều resort, khi book phòng ở Maldives, bạn phải cực kì quan tâm đến 3 việc: phòng đã bao gồm thuế phí, di chuyến và bữa ăn chưa? Vì có nhiều resort, nhìn thì rẻ nhưng mà do quá xa trung tâm, phí di chuyển cũng tính đến ngàn đô/ người. (VD như resort của Quang Vinh ở).

Giá phòng: 26 triệu/đêm cho 2 người, gồm:

  • Phòng sunset over water villa 16.500.000 đ
  • Đưa đón 2 chiều, ăn 3 bữa (không bao gồm nước uống) 9.500.000 đ

Resort này phiền 1 cái là trên Agoda không có cho book Half-board hay full-board trực tiếp, mà phải liên hệ với resort để book sau.

Để ăn uống thoải mái, bạn nên book full board, vì giá order tại chỗ, ít cũng từ 1-2tr/món ăn. Bạn có thể tham khảo thêm giá trên website của resort và nhớ +22% tiền thuế phí.

Nguyên ngày, bạn có thể nằm ngay trong phòng ngắm biển, đi dạo vòng quay resort chụp hình hoặc qua bên Anantara Veli (sister resort) tham quan, ăn trưa ở nhà hàng Thái Baan Huraa.

Bạn lưu ý là các nhà hàng ở đây đều mở theo khung giờ quy định nên phải kiểm tra trước khi đi (Khi check in họ sẽ đưa 1 tờ gấp gồm bản đồ và danh sách các nhà hàng, dịch vụ).

Trước khi định ra ngoài thì nên gọi lễ tân trước 15 phút để điều xa điện ra đón; nếu muốn ăn tối buffet thì phải gọi điện đặt trước với lễ tân (Mình khuyên là không nên, mình đã ăn và thấy không ngon như ăn gọi món ở nhà hàng)

Ngày 4: Anantara Dihgu – Males – HCM

Nói chung đã bỏ ra 26 triệu thì mình sẽ cố gắng tận hưởng hết các dịch vụ và sự thoải mái của resort. Buổi sáng, nằm phòng ngắm biển, đi ăn sáng, rồi ra khu vực Aquafanatics mượn thuyền Kayak chèo qua mấy cái võng giữa biển chụp hình. Chèo qua hồ bơi bơi (Hồ bơi ở đây có thể chụp kiểu nước tràn với biển mênh mông nha) rồi về lại. (1 phòng được free 2 tiếng Kayak 1 ngày).

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Sáng 11h45: Resort tự điều xe đến phòng để giúp bạn đưa hành lý và chở ra quầy check-out.

Chiều 1h: nhóm mình về trung tâm, tách làm 2. Các bạn thì về sân bay, mình đi tiếp qua thủ đổ Males thăm thú. (Nếu bạn nhiều hành lý, có thể gửi ở sân bay rồi thong dong qua Males nhé. Phí gửi: 6$ cho 1 kiện nhỏ, 12$ 1 kiện lớn)

Từ sân bay – Males và ngược lại, cứ 10 phút có 1 chuyến phà, phà chạy hết tầm 8-10phút, giá 1$/lượt. Đi speedboat thì nhanh hơn, giá gấp 2.5 lần nhưng mình thấy cũng không cần lắm.

Cầu tàu ở Males rất dài, chạy dọc gần như hết 1 mặt đảo (nói cho oai chứ đi bộ 15p). Đầu bên này là phà, đầu bên kia sẽ là chợ nông sản và chợ cá. Ở Males có 3 điểm tham quan chính:

Islamic Center:

Trung tâm Hồi giáo, là 1 toà màu trắng, chóp vàng, và có 1 tháp nhỏ, cao phía bên ngoài. Mình chỉ đến để biết chứ không thấy đặc biệt lắm.

Khu chợ cá và trái cây:

Trái cây ở đây chủ yếu là dưa hấu, đu đủ, chuối, thơm. Chợ không quá lớn, có nhiều quầy hàng và treo khá bắt mắt. Chợ cá thì ngay sát và đặc biệt hơn.

Phía bên này đường là khu vực neo đậu của các tàu thuyền đánh cá, người ta móc móc sắt, lôi những con cá ngừ đại dương chắc gấp 2-3 người mình xềnh xệch lết qua đường vào khu chợ cá.

1 dãy dài khu chợ là các bàn xi măng, mỗi bàn là 1 người thợ ngồi lọc và xắt miếng nhìn rất điệu nghệ. Khách du lịch thì Hàn Quốc nhiều, len len trong khu chợ nhìn người ra buôn bán và sơ chế.

Quảng trường đầy chim bồ câu:

Nếu ở Phnom Penh, ngay ngoài cung điện có nhiều chim bồ câu ntn thì ở đây cũng tương tự. Khác cái là dù bạn có chạy đến, nó cũng coi bạn là hư vô. Chim ở đây không sợ người, chỉ mải tắm ở mấy vũng nước và tham ăn.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Đường xá ở Males nhỏ, xe máy, ô tô cũ chạy loạn xạ. Cái đặc biệt là nếu ra đường, bạn sẽ thấy hầu hết là đàn ông, rất ít phụ nữ. Đi vô mấy đường nhỏ bên trong thì có nhiều hơn 1 chút. Đường phía ngoài cầu tàu thì gần như là không.

Males không có gì đặc biệt ấn tượng với mình, nhưng dẫu sao cũng là 1 nền văn hoá khác. Nên mình sẽ tận dụng thời gian để khám phá thêm.

4h30 chiều ra bến phà để qua sân bay, ăn tối và chờ lên máy bay.

9:10 tối bay 4h40p về Sing tầm 5h hơn sáng (Múi giờ lệch nhau), ăn sáng ở Changi, bay

7:05 sáng về lại HCM lúc 8:05, đi làm.

Note:

Nếu có thể, hay sử dụng dịch vụ của các đảo, giá rẻ hơn nhiều so với resort.

Nếu đã book dịch vụ và được confirm qua email, đừng tin tưởng hoàn toàn. Phải liên tục remind và xác nhận. VD: Mình book iCom tour trọn gói cho đoàn 6 người, đã được xác nhận. Nhưng sáng đó mình lo, nên 7h30 chạy ra văn phòng nó hỏi lại, thì bên đó hoàn toàn không có khái niệm gì về việc đã xác nhận với mình.

 width=
Ảnh: Mai Thanh Phú

Nhưng được cái, giá hôm trước họ confirm với mình là 800$/6 người/ private tour. Hôm nay ra đến nơi thì chỉ có 390$ cho tour y chang, và vẫn đi riêng. Lý do là hôm đó người ta bị ế thì phải, chứ 800$ cũng là giá bên khác từng báo mình.

Cho bạn nào quan tâm, giá 1 số dịch vụ lặn ngắm ở Anantara Dihgu resort:

  • Lặn ngắm rùa: 152$
  • Lặn ngắm cá heo: 177$
  • Lặn bình khí cá mập Nurse: 238$
  • Ngắm cá mập Whale (giá cho nhóm 6 người): 3,416$
  • Đi thuyền ngắm hoàng hôn: 104$

Người viết Review có tâm: Trang Lee
Người chụp: Mai Thanh Phú”

Cảm ơn những chia sẻ hết sức có tâm và chi tiết của vợ chồng anh Mai Thanh Phú – chị Trang Lee về chuyến du lịch Maldives tự túc. Hi vọng anh chị sẽ có thật nhiều chuyến đi thú vị khác nữa nhé.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *