Lữ khách Việt kể về 5 bộ lạc kỳ lạ trên thế giới

Nguyễn Noah khám phá nhiều tộc người thiểu số trên thế giới, nhưng có 5 bộ lạc anh nhiều nhất bởi những điều kỳ lạ như đeo vòng môi, bôi đất lên tóc hay mặc lá cây.

Nguyễn Noah đã đặt chân tới hơn 100 quốc gia và thích khám phá những điểm đến ít người biết, thử thách bản thân bằng những trải nghiệm kịch tính. Trên hành trình này, Noah iếp xúc với nhiều bộ lạc thiểu số ở khu vực châu Phi, châu Á. Dưới đây là 5 bộ lạc để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất.

Bộ lạc đeo vòng cho môi Mursi (Ethiopia)

Noah đến vùng đất bộ lạc Mursi cư trú hồi năm 2021 trong hành trình khám phá Ethiopia. Theo anh, đây là bộ lạc đặc biệt nhất ở khu vực thung lũng Omo, nơi có 8 bộ lạc cùng sinh sống.

Một phụ nữ bộ lạc Mursi đang tháo vòng đeo môi.

Cảnh một phụ nữ bộ lạc Mursi đang tháo vòng đeo môi được Noah chụp vào năm 2021.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của người Mursi là phụ nữ thường đeo những chiếc vòng to ở tai. Đến khi 15, 16 tuổi, họ sẽ đeo thêm một chiếc vòng lớn vào môi như một cách để thể hiện vẻ đẹp. Noah từng đề nghị một phụ nữ tháo chiếc vòng khỏi môi và bất ngờ khi thấy môi dưới của chị gần như “rớt xuống”, không còn liền với cằm. Ngoài ra, người bộ lạc này chỉ kết hôn với nhau, không chấp nhận hôn nhân với người bên ngoài.

Bộ lạc Mursi có những nét văn hóa độc đáo nhất thung lũng Omo, nhưng Noah cho rằng những văn hóa này hiện bị “thương mại hóa” vì sự xuất hiện của khách du lịch.

Bộ lạc Hamar (Ethiopia) – phụ nữ đầy vết sẹo trên lưng

Cũng trong lần du lịch Ethiopia, Noah ghé thăm bộ lạc Hamar. Anh cho biết trên lưng phụ nữ Hamar thường có các vết sẹo do bị chồng đánh. Nếu không hiểu về văn hóa của họ, nhiều người sẽ nghĩ đây là hành động dã man. Tuy nhiên, một số phụ nữ Hamar nói với Noah đây là nét văn hóa và họ phải chịu đựng trận đòn này để thể hiện tình yêu với chồng.

Noah bên cạnh một phụ nữ Hamar với nhiều vết sẹo trên lưng.

Noah bên cạnh một phụ nữ Hamar với nhiều vết sẹo trên lưng, ảnh chụp năm 2021.

Đàn ông trong bộ lạc Hamar có thể cưới nhiều vợ. Những người vợ sẽ được đeo một loại vòng đặc trưng để phân biệt thứ tự, ví dụ vợ một, vợ hai, vợ ba.

Bộ lạc mặc lá cây Dupa (Cameroon)

Khi đến nơi ở của bộ lạc này hồi tháng 7/2022, dù đã tìm hiểu trước, Noah vẫn sững sờ khi thấy họ mặc lá cây. Phụ nữ chỉ bận một chiếc váy bằng lá, phần trên không có gì che. Do đó, Noah phải nhờ họ quấn thêm ít vải để có thể ghi lại hình ảnh và phát sóng trên một số nền tảng mạng xã hội.

Những phụ nữ ở bộ lạc Mursi được Noah nhờ mặc thêm lớp áo trên để tiện ghi hình.

Những phụ nữ ở bộ lạc Dupa trong lần Noah tới Cameroon năm 2022.

Noah cho biết bộ lạc Dupa không thiếu vải làm quần áo bởi nhiều gia đình ở đây còn có nghề dệt vải. Tuy nhiên, họ vẫn thích mặc đồ làm từ lá như một nét đẹp truyền thống. Những người ở đây nói với anh mỗi chiếc váy lá thường giữ được tối đa ba ngày, sau đó họ lại phải vào rừng sâu kiếm lá để làm váy khác.

So với bộ lạc Mursi, du khách Việt cảm thấy người Dupa sống nguyên sơ hơn, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi du lịch. Anh được họ chào đón nồng nhiệt, mời ăn cơm, dẫn tham quan làng, thưởng thức điệu nhảy truyền thống.

Bộ lạc Himba (Angola) – nơi bện tóc bằng đất

Ghé thăm làng của người Himba tháng 4/2023, Noah được một phụ nữ chào đón, thể hiện lòng hiếu khách, bằng cách trát một lớp đất đỏ dọc theo cánh tay.

Người Himba “không thể lẫn vào đâu” bởi họ có tóc được bện bởi một loại đất màu nâu đỏ. Các cô gái để tóc dài, quấn thành từng lọn dài và bọc bên ngoài bằng đất.

Cô gái ở bộ lạc Himba dùng đất đỏ để bện những lọn tóc.

Một cô gái tộc Himba giới thiệu cho Noah về kiểu tóc đặc trưng của bộ lạc, ảnh chụp năm 2023.

Người Himba còn bôi đất đỏ toàn thân để đuổi côn trùng. Tuy nhiên, Noah thấy cách này không hiệu quả bởi ruồi vẫn bu lấy họ. Người Himba không tắm bằng nước bởi điều kiện sống thiếu thốn. Họ “tắm hơi”, dùng viên than nóng thả vào bát nước thảo mộc, chờ hơi nước bốc lên khiến người toát mồ hôi để tẩy rửa cơ thể.

“Người dân ở đây rất đáng yêu. Do chưa quen với khách du lịch, họ còn quây quanh để nghịch tóc tôi xem đó là tóc giả hay thật”, Noah nói.

Bộ lạc từng ăn thịt người Dani (Tây Papua, Indonesia)

Noah cho biết đây là bộ lạc khó tiếp cận nhất bởi anh phải bay ba chặng khi xuất phát từ Bali (Indonesia). Một số công ty du lịch ở Indonesia bán tour khám phá các bộ lạc ở Tây Papua với giá khoảng 3.000 USD cho chuyến đi ba ngày. Theo Noah, mức giá này quá đắt nên hồi năm 2022, anh chọn cách bay đến Jayapura, thủ phủ của Tây Papua, mua tour hoặc tìm đường đi tự túc để tiết kiệm chi phí.

Sau cùng Noah đi xe ôm và tìm được một người trong bộ lạc giúp phiên dịch. Tại ngôi làng của người Dani, nam du khách gặp một ông lão – nhân chứng sống từ thời đại bộ lạc Dani còn ăn thịt người. Anh được biết các bộ lạc trong quá khứ đánh nhau vì nhiều lý do, ví dụ người bộ lạc này cướp vợ của người bộ lạc khác. Họ sử dụng cung tên trong trận chiến.

Một người đàn ông của tộc Dani cầm con dao từng dùng để giết và xẻ thịt kẻ thù trong quá khứ.

Ảnh Noah chụp năm 2022 ghi lại cảnh người đàn ông tộc Dani cầm con dao từng dùng để giết và xẻ thịt kẻ thù trong quá khứ.

Trong một trận đánh, bộ lạc của ông lão giết được ba đối thủ nhưng chỉ lấy một cái xác đem về. Sau đó, họ mang ra bờ sông, xẻ thịt và nướng lên chia cho dân làng cùng ăn. Hiện tại, các bộ lạc thỉnh thoảng vẫn đánh nhau nhưng không còn giữ tục ăn thịt người. Trái ngược với sự kinh dị trong quá khứ, người Dani hiện sống hiền hòa và hiếu khách.

Tú Nguyễn

Ảnh: Lại Ngứa Chân


Nguồn: https://vnexpress.net/


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *