Lẩu cù lao miền Tây

Với các món quen thuộc như gỏi ngó sen tôm thịt, bì cuốn, chả giò và lẩu cù lao, quán ăn ở quận Bình Thạnh luôn kín hơn 100 bàn dù trời nắng hay mưa.

17h thứ ba, quận Bình Thạnh, TP HCM mưa lớn. Đầu đường Nguyễn Xí, phường 13, một quán lẩu vẫn tấp nập khách ra vào. Oanh, thực khách từ TP Thủ Đức cùng hơn 6 người bạn đang ngồi ăn lẩu, chia sẻ, quán là địa chỉ “ruột” của nhóm. “Cần địa điểm ăn uống ngon, rẻ tụi mình đều đến đây. Chỗ này bán món dân dã, kiểu gia đình, đám tiệc ở miền Tây. Mình thích nhất là lẩu cù lao với rất nhiều rau củ, thịt, lòng heo, nước dùng ngọt rất hợp vị”, Oanh đùa, mỗi lần đến quán cô có cảm giác như đang ăn tiệc cưới xưa.

Quản lý quán, Diễm My sinh năm 1992, quê Cà Mau, cho biết quán ăn mở được gần 2 năm, chuyên phục vụ món ăn miền Tây thường xuất hiện trong đám tiệc xưa mà giờ khách ít có dịp thấy, như lẩu cù lao, bì cuốn, chả giò, gỏi ngó sen tôm thịt…

“Ở quê mình, mỗi dịp đám cưới, đám hỏi, trên bàn tiệc luôn có nồi lẩu cù lao nghi ngút khói, bì cuốn, gỏi… nhưng giờ ngày càng ít. Mình muốn giữ những món ăn truyền thống, quen thuộc của quê hương nên mở quán”, My cho biết, đây là quyết định của cô sau khi nghỉ việc văn phòng với mức lương hơn 20 triệu đồng.

Lẩu cù lao được xếp sẵn nguyên liệu, khách gọi sẽ thêm nước lẩu và mang ra bàn phục vụ. Ảnh: Huỳnh Nhi

Lẩu cù lao được xếp sẵn nguyên liệu, khách gọi sẽ thêm nước lẩu và mang ra bàn phục vụ. Ảnh: Huỳnh Nhi

Mỗi ngày, nhân viên quán bắt đầu từ 7h để làm sạch rau, nguyên liệu và nấu nước dùng lẩu cù lao, lẩu mắm, lẩu thái. Đứng bếp chính là mẹ của My và người thân trong gia đình. Nói về món “đinh” của quán là lẩu cù lao, cô Lệ cho biết: “Đám cưới ở Cà Mau xưa, nhà trai sang nhà gái sẽ mang theo con heo còn sống để làm mâm cỗ. Sau khi mổ xẻ và làm thịt nấu ăn, chỉ còn phần lòng heo mọi người không biết nấu món gì. Sau đó, mới nghĩ cách làm lẩu ngọt từ nước dừa hầm xương, nguyên liệu chính là lòng heo, gồm tim, gan, phèo, phổi, lưỡi… và cả thịt nạc, thêm rau củ, ngót nghét gần 20 nguyên liệu trong một nồi lẩu”.

Ngoài ra, bữa tiệc xưa cũng có món bì cuốn, món ăn trông tuy đơn giản nhưng cầu kỳ và tỉ mỉ. Nguyên liệu có tôm, thịt heo khìa, thính, đậu phộng, bì heo, bắp cải, rau thơm, cà rốt xắt nhỏ rồi trộn đều, nêm nếm vừa vị, gói chắc tay thành các cuộn tròn rồi cắt nhỏ thành miếng vừa ăn. Món bì cuốn mềm và có độ giòn của rau cải, bì heo, thơm mùi thính và thịt khìa. Hiện rất ít quán phục vụ món này.

Bì cuốn, gỏi và chả giò có giá từ 69.000 đồng/phần. Ảnh: Huỳnh Nhi

Bì cuốn, gỏi và chả giò có giá từ 39.000 đồng đến 69.000 đồng mỗi phần. Ảnh: Huỳnh Nhi

Ngày mở quán, My không nghĩ sẽ có ngày khách đông như hôm nay, mỗi ngày hơn 100 chiếc bàn kín người ngồi và hàng trăm nồi lẩu được bán đi. “Lúc chuyển việc, mình nghĩ nếu có thất bại thì mình cũng có đồng ra đồng vào, đủ sống là được. Nhưng được mọi người ủng hộ như bây giờ là may mắn rất lớn đối với mình”, My nói bí quyết của cô là giữ được hương vị của các món ăn miền Tây, giá cả hợp lý, mỗi người cầm vài chục nghìn là có thể đến ăn lẩu thoải mái.

Quán bán tại chỗ từ 16h đến 22h mỗi ngày, buổi sáng chỉ bán mang về. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có thể quá tải, khách đến phải xếp hàng chờ hoặc quán ngưng nhận khách tầm 20-30 phút. Ngoài ra, khách đến quán chủ yếu là các bạn trẻ, gia đình đi xe gắn máy, không có chỗ đỗ ô tô cũng là hạn chế.

Minh Nhiên, quận Bình Thạnh, từng đến vào giờ cao điểm và phải quay về vì không còn bàn ngồi. “Kinh nghiệm của mình là mọi người nên đi sớm, chừng 17h sẽ có nhiều bàn trống, thoải mái. Món ăn ở đây ngon, giá rẻ và nhân viên thân thiện nên mình quyết định quay lại lần nữa để ăn được lẩu cù lao”, Nhiên nói.

Quán lẩu kín khách về đêm. Ảnh: Huỳnh Nhi

Quán lẩu kín khách về đêm. Ảnh: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi



Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *