Quán cơm mở bán vào năm 1916, từng được gọi là cơm “ma” vì bán vào 0h, phục vụ những món bình dân cho người Huế.
Giải thích về tên gọi cơm “âm phủ”, bà Nguyễn Thị Minh, 65 tuổi, chủ quán cho biết, ngày trước quán mở bán từ 0h đến 6h mỗi ngày, chuyên món bình dân như cháo, gỏi gà xé, măng xào, cơm thập cẩm… dân dã cho những người làm việc, đi chơi đêm ở Huế. Không gian quán khi đó chỉ là mái nhà tranh thắp đèn dầu mờ ảo. Thực khách thấy vậy nên đặt cho quán là cơm “âm phủ” vì bán giữa đêm khuya.
“Quán bán tới nay là ba đời, từ bà tôi tới ba rồi nay đến tôi là dâu trưởng. Bây giờ quán không bán khuya như trước, chỉ bán ban ngày vào trưa và chiều tối vì xã hội đã thay đổi, không giống thời ông bà xưa”, bà Minh chia sẻ.
Thực đơn ở quán đã phong phú hơn trước nhưng vẫn giữ hồn các món Huế như nem, thịt nướng, gà bóp gỏi và cơm “âm phủ” (cơm thập cẩm). Ngoài ra, quán cũng có đa dạng món canh, kho, chiên… để khách đổi vị. Quán chủ yếu phục vụ khách du lịch, với người địa phương, phần ăn ở quán có giá khá cao.
Lần đầu đến quán, bạn có thể thử ăn cơm “âm phủ” (cơm thập cẩm) với 5 nguyên liệu khác nhau như thịt heo quay, thịt nướng, chả, tôm cháy, dưa leo bóp. Cơm đựng trong đĩa đầy đặn, khách chan nước mắm mặn vào cơm và trộn đều thưởng thức.
Tôm cháy mềm và thơm, gia vị hài hòa, thịt heo nướng giòn, hạt cơm xốp dẻo thấm đẫm từng giọt nước mắm đậm vị cuốn hút bất ngờ. Tuy nhiên, phần chả và thịt quay có vị nhạt không quá hấp dẫn. Khách có thể gọi thêm canh cải nấu với tôm ngọt nước, thanh vị để ăn kèm, đỡ khô.
Quán chủ yếu phục vụ khách đoàn, tối đa 100 người, vào các ngày lễ lớn như 30/4, khách từ vùng miền khác phải đặt bàn trước từ sớm, quán kín lịch phục vụ. Khách lẻ đến quán có thể gọi cơm phần, quán làm phần ăn vừa đủ theo số người. Tuy nhiên, thực đơn không để giá, bạn có thể hỏi thêm để biết rõ.
Huỳnh Nhi
Leave a Reply