Quầy hàng nhỏ của bà cụ hơn 73 tuổi trên phố Hòe Nhai thu hút thực khách suốt 30 năm với món canh bún cua cổ truyền của Hà Nội.
“Canh bún là món tôi thường xuyên được bà nội dắt đi ăn ngày bé. Bây giờ trẻ con Hà Nội ít biết đến món này, hàng quán cũng không nhiều bằng các loại bún khác”, bà Ngọc lý giải cho việc gọi canh bún là món ăn “vừa quen vừa lạ”.
Bán quán từ những năm 30 tuổi, 10 năm nghỉ ở nhà chăm sóc chồng bị tai biến, đến nay bà Ngọc đã gắn bó với canh bún hơn 30 năm.
Bát canh bún cua truyền thống tại quán bà Ngọc.
Vào 11h30 mỗi ngày, bà Ngọc bày quầy hàng nhỏ đặt trước con ngõ hẹp ở giữa hai số nhà 7 và 9 phố Hòe Nhai. Bao năm qua, quầy hàng của bà Ngọc vẫn đơn giản với một nồi nước dùng gạch cua đun trên bếp, một nồi để ủ sợi bún, rổ rau luộc, gạch cua, hành khô, ớt chưng, dấm tỏi ớt đặt trên chiếc bàn nhỏ.
Chỗ ngồi của khách là những chiếc bàn, ghế nhựa đặt ở vỉa hè diện tích chỉ khoảng 5 m2, không có quạt, ít chỗ để xe. Chật chội, nóng nực là vậy nhưng nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để được thưởng thức một bát canh bún cua tại quán bởi mỗi ngày bà Ngọc chỉ bán khoảng 100 bát. “Hôm nào đông khách, sau một tiếng đã hết hàng. Muộn hơn cũng đến 17h chiều là đóng cửa, nhưng thường chỉ vào những ngày mưa to, người ta ngại ra đường”, bà nói.
Canh bún cua được bà Ngọc làm theo kiểu truyền thống với những nguyên liệu đơn giản. Thực khách có thể chọn loại rau theo mùa như rau muống, rau rút, rau cải, rau cần. Rau đã luộc chín, cắt khúc vừa ăn. Sau đó bà Ngọc mới gắp những sợi bún to bằng đầu chiếc đũa đã chần nước sôi, đang ủ trong nồi cho vào bát. Thêm một thìa gạch cua nâu đỏ, ít tóp mỡ chiên giòn và hành phi vàng ruộm, cuối cùng là chan một muôi nước dùng.
Leave a Reply