Tôi từng khó tiếp nhận món tráng miệng này do đã quen ăn caramen kiểu Việt Nam.
Lần đầu biết tới crème brulee khi đi uống cà phê, được một người bạn giới thiệu ăn thử, tôi thấy vô cùng kỳ quái trước món caramen lạ, với phần caramel đóng cứng phía trên, thay vì phủ một lớp caramel mềm phía dưới, chan trong nước thắng đường như cách người Việt hay ăn.
Có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của món ăn này giữa Pháp, Anh và Tây Ban Nha song người Pháp có phần thắng thế hơn. Crème brulee theo cách gọi của người Việt là creme nướng, ngoài ra còn biết đến với cái tên creme catalana hay cream Trinity. Món này từng xuất hiện trong cuốn sách nấu ăn Cuisinier royal et burrières từ năm 1691. Vào những năm 1980, crème brulee trở nên phổ biến hơn khi phục vụ nhu cầu dùng bữa tại các nhà hàng ngày càng phát triển.
Crème brulee thường được phục vụ trong một bát sứ nhỏ màu trắng kèm một chiếc thìa sắt đủ cứng cáp để gõ được lớp caramel cứng trên bề mặt. Ăn thử, tôi thấy không quen khẩu vị khi crème brulee có vẻ đặc và bã hơn caramen, và flan nếu ăn không kèm nước thắng đường thì có vẻ thiếu thiếu. Thậm chí, lớp caramel cứng còn làm tôi hơi “dính răng”. Song dần dần, sau khoảng 3 lần ăn, tôi thấy thích món này do hương vị nhẹ nhàng hơn, độ ngọt vừa phải nếu so sánh với caramen. Cách thưởng thức cũng phải từ tốn, tinh tế dù chỉ là món tráng miệng bình dân. Đặc biệt, tôi thấy nhung nhớ nếu lâu không được ăn món này, nhớ sự mâu thuẫn kỳ lạ khi nó vừa cứng lại vừa mềm, vừa nóng vừa lạnh.
Crème brulee không phải món tráng miệng dành cho người vội vã. Sự tinh tế của crème brulee đến từ việc khò lửa để ra được lớp đường cháy phía trên mặt bánh. Phần này quan trọng vì nó cho phép bạn trải nghiệm sự tương phản về nhiệt độ. Trong khi lớp caramel vừa được khò, đóng cứng lại và vẫn còn nóng hổi, lớp bánh bên dưới vẫn mềm mịn, mát lạnh. Đường cháy cung cấp một vị đắng cần thiết để tương phản với vị ngọt ngào của phần bánh làm kem, sữa, trứng.
Crème brulee cũng hay được so sánh với panna cotta. Mặc dù hương vị hơi giống nhau nhưng sự khác biệt chính nằm ở thành phần khi panna cotta sử dụng sữa làm thành phần chính còn creme brulee chọn kem sữa béo và lòng đỏ trứng. Điều làm cho crème brulee khác biệt những món tráng miệng từ trứng, sữa khác chính là lớp đường cháy trên bề mặt rất riêng. Nếu không có lớp này, món bánh sẽ không thể gọi là crème brulee.
Hương vị của crème brulee được ưa thích đến mức được đưa lên làm mùi hương nước hoa và son dưỡng môi. Vị ngọt nhẹ, không gắt, hợp để uống cùng một ly cà phê nóng hổi hay chỉ đơn giản là tráng miệng để cảm thấy nhẹ tâng sau một bữa ăn nhiều đạm. Từ tốn ăn crème brulee, nhấp vài ngụm cà phê vào một ngày cuối tuần, tưởng tượng như đang ngồi giữa những con phố châu Âu là một cách sống chậm, tận hưởng cuộc sống và yêu bản thân hơn.
Trung Nghĩa
Leave a Reply