Khách Việt và hành trình đến Alaska bằng du thuyền

MỹAlaska, nơi hẻo lánh nhất nước Mỹ hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên độc đáo và những dấu tích của một địa điểm từng thuộc Nga.

Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia năng lượng và môi trường, sống và làm việc tại vùng Vancouver, Canada, chia sẻ trải nghiệm đi du thuyền thăm vùng đất Alaska xa xôi và lạnh giá của Mỹ.

Rộng hơn 1,48 triệu km2, gấp 5 lần Việt Nam nhưng Alaska chỉ có hơn 730 ngàn dân, do những bất tiện về địa lý và điều kiện khí hậu. Phần lớn các thành phố của Alaska chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy và đường không. Nhưng vài chục năm trở lại đây, các hãng du thuyền đã góp phần kết nối Alaska với phần còn lại của thế giới.

Cửa ngõ đường thủy đến Alaska gần nhất là thành phố Vancouver, bờ tây Canada, thuộc tỉnh bang British Columbia, giáp giới với Alaska. Bến du thuyền Canada Place ngay trung tâm Vancouver là nơi chúng tôi xuất phát với con tàu Brilliance of the Seas thẳng tiến Alaska.

Trong lộ trình 7 ngày, tàu dự kiến ghé thăm ba thành phố Sitka, Juneau và Ketchikan. Gia đình chúng tôi sinh sống tại vùng Vancouver nên việc đi Alaska thuận tiện. Hầu hết du khách từ nhiều vùng khác của Canada và Mỹ phải đến Vancouver để xuất phát đi Alaska.

Du thuyền Brilliance of the Seas

Tàu Brilliance of the Seas thuộc hãng Royal Caribbean International (RCI) sở hữu đội tàu du lịch lớn nhất thế giới và cũng đứng đầu thế giới về doanh thu ngành du thuyền. RCI, hiện có 26 tàu đang vận hành, là chủ sở hữu du thuyền lớn nhất thế giới Icon of the Seas, sẽ hoạt động vào năm tới.





Tàu Brilliance of the Seas.

Tàu Brilliance of the Seas.

Từ bến Canada Place, con tàu di chuyển hơn 30 tiếng mới ra khỏi vùng lãnh hải Canada. Đến địa phận Alaska, múi giờ chuyển lên sớm hơn 1 tiếng.

Trong những giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi tranh thủ khám phá con tàu, trải nghiệm và thưởng thức các chương trình giải trí, dịch vụ.

Tàu Brilliance of the Seas có sức chứa 2.500 khách và thủy thủ đoàn 850 người. Tàu cao 12 tầng, dài 292 m, có 9 thang máy và 1.070 phòng ngủ, trong đó một nửa có ban công nhìn ra biển.

Trên tàu có nhà hàng, quán bar, cà phê, rạp hát, casino, sàn nhảy, phòng gym, đường chạy bộ, hồ bơi trong nhà và ngoài trời, sân golf, phòng game… Các bữa ăn tối được thiết kế theo chủ đề và được tổ chức trang trọng. Các hình thức giải trí đa dạng để du khách tận hưởng mọi phút giây trên tàu. Phần lớn các dịch vụ ăn uống và giải trí trên tàu đã bao gồm trong giá tour. Mỗi du thuyền là một tổ hợp giải trí di động hoàn chỉnh.

Giá dịch vụ du thuyền dao động tùy theo thời điểm đặt tour và vị trí phòng. Càng đặt sớm thì giá càng tốt, thường hãng tàu cho đặt chỗ sớm trước 2 năm. Với du thuyền Brilliance of the Seas, giá phòng 4 người trung bình khoảng 6.000 đôla Canada (khoảng 108 triệu đồng) cho phòng có ban công hướng biển. Du khách cũng có thể chọn phòng bên trong với giá chưa đến 1.000 đôla Canada (18 triệu đồng) mỗi người, cho gia đình 4 người chưa đến 4.000 đôla Canada (khoảng 72 triệu đồng).

Phố cổ Sitka

Sau gần 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, tàu ghé bến Sitka. Do thời tiết không thuận lợi, tàu phải bỏ qua lộ trình ghé xem băng hà ở Tracy Arm, một vịnh hẹp gần thành phố Juneau.

Dù là vùng sâu vùng xa, cảng Sitka đón cùng lúc hai chiếc du thuyền cập bến. Chiếc kia là tàu Ovation of the Seas, cũng thuộc hãng RCI.

Sitka nằm trên hòn đảo Baranof, địa danh gợi nhớ nước Nga. Một thời là thủ phủ Alaska, Sitka chứng kiến sự chuyển giao chủ quyền lãnh thổ từ Nga sang Mỹ.

Rời tàu, chúng tôi xếp hàng đón xe bus trung chuyển miễn phí từ bến tàu đến trung tâm thành phố Sitka. Địa điểm đáng ghé thăm nhất là ngọn đồi Castle, nơi cờ Nga hạ xuống và cờ Mỹ kéo lên năm 1867, sau khi Nga đồng ý bán Alaska cho Mỹ.

Castle là ngọn đồi đá cứng cao chưa đến 20 m, rộng chừng 1.000 m2. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra biển và quan sát trọn vẹn thành phố. Đồi Castle cũng là nơi mà ngọn cờ Alaska với tư cách là bang thứ 49 của Mỹ được kéo lên năm 1959. Trước đó, Alaska chỉ là vùng lãnh thổ tự trị của Mỹ sau khi nhận chuyển nhượng từ Nga.

Dân số Sitka chỉ có 8.500 người, ngang một phường ở TP HCM, nhưng nơi đây luôn nhộn nhịp trong mùa hè với những chuyến du thuyền ghé qua. Sitka là một điểm đến trong các chuyến hải hành Alaska.

Phố cổ Sitka nhỏ, nên chỉ cần hai tiếng lang thang là đủ. Nhà thờ St. Michael (1837) với kiến trúc đậm chất Nga là linh hồn con phố. Những cửa hiệu, nhà hàng mang vẻ bề ngoài của một thời xa vắng.





Tác giả trước cổng vào khu phố cổ Sitka.

Tác giả trước cổng vào khu phố cổ Sitka, xa xa là nhà thờ St. Michael.

Đặc sản cua biển Alaska được bày bán nhiều nơi trong phố cổ, nhưng thú vị nhất có lẽ là xếp hàng chọn càng cua, người ta sẽ chế biến cho khách thưởng thức tại chỗ. Cái cảm giác thưởng thức món đặc sản càng cua luộc chấm bơ tươi ngon giữa một thành phố cổ Alaska thật khó tả.

Rời Sitka, bến tiếp theo là thành phố Juneau.

Thủ phủ Juneau

Tàu đến Juneau trong tiết trời se lạnh và mưa không dứt, điều không lạ ở đây trong mùa hè.

Juneau thay thế Sitka trở thành thủ phủ của Alaska năm 1906, 40 năm sau khi Mỹ mua lại vùng lãnh thổ này từ Nga.

Vị trí của Juneau có điểm đặc biệt: là thủ phủ bang duy nhất của Mỹ có ranh giới giáp với nước ngoài (British Columba, Canada). Không có đường bộ kết nối từ British Columbia đến Juneau vì sự cách trở của núi non và băng vĩnh cữu.

Bù lại, Juneau là điểm đến chính của các tuyến du thuyền đến Alaska. Từ tháng 5 đến tháng 9, mỗi ngày có khoảng 6.000 du khách đến Juneau bằng du thuyền.

Khi tàu chúng tôi cập bến, ba con tàu khác đã thả neo tại đây. Phố xá, hàng quán ngập tràn du khách.

Trung tâm thành phố Juneau nhỏ xinh và cổ kính. Những con đường nhỏ có từ thế kỷ 19, chỉ một hoặc hai làn xe. Trong phố, nếu thấy tòa nhà nào thấp bé và cũ kỹ nhất, đó là toà thị chính Juneau.

Hubbard, dòng sông băng dài nhất Bắc Mỹ

Rời Juneau khi trời sập tối, tàu khởi hành đi thăm dòng sông băng Hubbard.

Khởi nguồn từ đỉnh núi Logan (5.959 m) cao nhất Canada, khối băng Hubbard kéo dài 122 km qua Mỹ, đổ ra biển Bắc Thái Bình Dương phía vịnh Yakutat, Alaska. Đây là sông băng dài nhất Bắc Mỹ và thuộc nhóm dài nhất thế giới.

Đến Hubbard Glacier vào đầu giờ trưa, thời tiết thuận lợi để có thể quan sát kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ này. Tàu dừng vài tiếng cho khách ngắm cảnh. Khách muốn tham quan ở khoảng cách gần hơn có thể thuê thuyền nhỏ.

Người ta nói rằng một mảng băng dịch chuyển từ đầu nguồn ra đến biển có thể cần đến 500 năm. Nghĩa là, khối băng Hubbard từ vị trí chúng tôi quan sát đã được hình thành hàng trăm năm trước.





Ngắm sông băng từ ban công phòng ngủ

Ngắm sông băng từ ban công phòng ngủ

Độ dày khối băng có nơi lên đến trên 600 m. Chiều rộng cửa sông băng khi gặp đại dương là 11 km.

Không như những khối băng khác đang tan chảy và xẹp xuống dần vì biến đổi khí hậu, Hubbard Glacier vẫn đang cao dần lên vì tốc độ tan chảy của nó chậm hơn tốc độ tích tụ tuyết.

Ketchikan, thủ phủ mưa và cá hồi

Ketchikan là điểm dừng chân cuối tại Alaska trước khi tàu trở về Vancouver. Trong ba thành phố chúng tôi ghé đợt này, Ketchikan có vẻ náo nhiệt nhất. Bến tàu nằm ngay trung tâm thành phố, với 4 du thuyền đang neo đậu. Trên bến cảng, các quầy dịch vụ du lịch địa phương và xe cộ nhộn nhịp chuẩn bị đón dòng người tham quan.

Tàu cập bến khoảng đầu giờ chiều, trời cũng lất phất mưa.

Ketchikan được gọi là thủ phủ mưa của Alaska. Trung bình cứ 3 ngày thì có 2 ngày mưa. Kỷ lục mưa dài nhất là 3 tháng liên tục.

Ketchikan còn được mệnh danh là thủ phủ cá hồi thế giới. Để kiểm chứng điều này, chúng tôi tản bộ đến đường Creek. Đây là phố đi bộ nhỏ lát bằng gỗ dọc theo con suối Ketchikan đổ ra bến tàu. Hai bên suối là những ngôi nhà bằng gỗ cheo leo nhưng nhộn nhịp với nhiều hoạt động buôn bán và giải trí.

Đứng trên cây cầu nhỏ bắc qua con suối, chúng tôi chứng kiến dày đặc cá hồi từ cửa biển cố bơi ngược dòng nước lên thượng nguồn để bắt đầu mùa sinh sản.

Cá hồi là loài có khả năng di cư độc đáo, chúng có thể đi xa hàng ngàn cây số rồi khi trưởng thành sẽ tìm đường quay lại đúng nơi chúng được sinh ra. Quá trình này diễn ra vài năm tùy chu kỳ sống của chúng, nhưng con đường vượt qua nhiều ghềnh thác để trở về đúng nơi chúng sinh ra là một hành trình đầy nguy hiểm, và không phải con cá hồi nào cũng về đích. Chúng tôi trải nghiệm điều này khi chứng kiến những nỗ lực tưởng như vô vọng của những con cá hồi tại Ketchikan tìm cách vượt qua con thác chảy xiết dưới chân cầu.

Rời Ketchikan, con tàu quay về Vancouver.

Inside Passage và Vancouver

Du thuyền từ Vancouver đến Alaska đi trên hải trình có tên là Inside Passage. Đây là tuyến hàng hải qua mạng lưới các eo biển và đảo nằm dọc theo bờ biển kéo dài từ tây bắc bang Washington (Mỹ) qua phía tây British Columbia đến đông nam Alaska.

Về đến lãnh hải của tỉnh British Columbia, tiết trời nắng ấm, chúng tôi lên tàu ngắm cảnh và xem cá voi.

Tàu đi vào luồng nước giữa một bên là cụm đảo Vancouver và một bên là đất liền phía tây British Columbia. Con tàu chầm chậm trôi qua những vùng nước yên bình, xanh ngắt, quanh co qua những cánh rừng nguyên sinh trên những rặng núi, hòn đảo mờ sương, trùng trùng điệp điệp.

Thỉnh thoảng trên đường tàu đi qua, chúng tôi vô cùng hứng thú khi chứng kiến những chú cá voi với thân hình đồ sộ nhưng rất mềm mại, khi thì phun nước tung tóe lên trời, khi thì nhảy cong mình rồi rơi xuống, đều đặn và đẹp mắt.

Tàu về đến Vancouver lúc bình minh ló dạng. Nắng sớm và hơi nước từ phía mũi tàu làm cảnh quan thành phố càng thêm ảo diệu.

Bến tàu Canada Place là một công trình kiến trúc biểu tượng của thành phố Vancouver. Tòa nhà có hình dáng của một tàu thủy cỡ lớn với 5 mái vòm trắng vươn cao tượng trưng cho những cánh buồm. Mỗi năm có khoảng 1 triệu du khách đi du thuyền qua Canada Place, tạo ra một ngành kinh tế du thuyền sôi động cho thành phố Vancouver.

Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Anh Thi


Nguồn: https://vnexpress.net/


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *