Cục Văn hóa và Du lịch TP Nam Kinh tổ chức họp báo tại TP HCM, với sự tham dự của đại diện sở ngành cùng các đơn vị lữ hành địa phương, sáng 28/9.
Cùng tham dự sự kiện còn có bà Hạ Quân, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa và Du lịch TP Nam Kinh và các doanh nghiệp tỉnh Giang Tô. Theo bà Hạ Quân, nhiều người Trung Quốc lựa chọn TP HCM là điểm du lịch lý tưởng vì có nhiều danh thắng, ẩm thực độc đáo. 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc, cũng là năm thứ 7 khởi động cơ chế hợp tác giao thương. Do đó, ngành văn hóa, du lịch Nam Kinh nắm bắt cơ hội để quảng bá tại Việt Nam trong bối cảnh phục hồi.
Bà Hạ Quân, Phó cục trưởng Cục Văn hóa và Du lịch TP Nam Kinh. Ảnh: Cục Văn hóa và Du lịch Nam Kinh
Cũng tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa và Du lịch TP Nam Kinh giới thiệu Nam Kinh là thủ phủ của tỉnh Giang Tô, thành phố trọng yếu của phía đông Trung Quốc. Nơi đây có nguồn tài nguyên độc đáo với lịch sử hơn 2.500 năm và gần 500 năm lịch sử xây dựng kinh đô. Nam Kinh còn là cố đô của 6 triều đại và được bình chọn là một trong những thành phố lịch sử, văn hóa nổi tiếng đầu tiên của Trung Quốc.
Trong đợt quảng bá này, Nam Kinh muốn tạo ra sự cộng hưởng văn hóa giữa Việt Nam và Nam Kinh với các điểm tương đồng sẵn có. “Việt Nam có trà xanh, trà đen, trà hoa, còn Nam Kinh sản xuất trà Vũ Hoa – 1 trong 10 loại trà nổi tiếng. Ngoài ra, cả hai nước đều có nền văn hóa Phật giáo lâu đời. Nếu TP HCM có chùa Ngọc Hoàng, Vĩnh Nghiêm…, Nam Kinh cũng có chùa Kê Minh, Linh Cốc và khu danh lam thắng cảnh Ngưu Thủ Sơn, khu thắng cảnh di tích chùa Đại Bảo Ân với bề dày văn hóa Phật giáo phong phú”, bà Hạ Quân Giới thiệu.
Chương trình có sự tham dự của doanh nghiệp du lịch TP HCM và TP Nam Kinh. Ảnh: Cục Văn hóa và Du lịch Nam Kinh
Qua dòng chảy văn hóa hàng nghìn năm, Nam Kinh đang tiếp tục làm nổi bật vẻ đẹp cổ xưa của các triều đại, đồng thời thể hiện sự năng động, trải nghiệm du lịch độc đáo. Nổi bật trong đó là bức tường thành thời nhà Minh, được bảo tồn cẩn thận với 25 km nằm trong nội đô Nam Kinh.
Nam Kinh còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như gấm Vân Cẩm Nam Kinh với bề dày 1.600 năm nghề dệt thủ công và 700 năm sử dụng của hoàng gia. Gấm Vân Cẩm Nam Kinh không chỉ kế thừa nghề thủ công xưa, còn mang cả nghìn năm lịch sử và văn hóa của Nam Kinh.
Khi đến cố đô này, du khách cũng nên ghé thăm lăng Trung Sơn, núi Tử Kim Sơn, bảo tàng Lục triều, bảo tàng dệt Giang Ninh, khu thắng cảnh núi Thê Hà…
Ông Thẩm Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Triển lãm Hội nghị quốc tế Khang Huy (Giang Tô) giới thiệu thêm địa danh Ngưu Thủ Sơn. Đây được mệnh danh là “kho báu” Phật giáo duy nhất còn sót lại trên thế giới, nơi duy nhất lưu giữ xá lợi đỉnh cốt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và là nơi bắt nguồn của Phật giáo Thiền Ngưu Thủ. Du khách có thể đến Ngưu Thủ Sơn để ngắm cảnh, xá lợi đỉnh cốt và nghe tụng kinh Thiền tông.
Ngoài ra, công viên di tích chùa Đại Báo Ân tại Nam Kinh từng là nguồn gốc của 480 ngôi chùa thời Nam triều và là trung tâm Phật giáo ở Trung Quốc thời cận cổ đại. Chùa có bảo tháp thủy tinh – một trong bảy kỳ quan thế giới thời Trung cổ. Ngày nay, đây là di tích chùa đền có quy cách, được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc.
Leave a Reply