Vì sao người miền Nam ăn thịt kho và canh khổ qua ngày Tết?

Thịt kho hột vịt, canh khổ qua mang đặc trưng vùng miền và những yếu tố về phong tục, tâm linh gắn liền đời sống người Nam Bộ.

Mỗi buổi sáng và chiều các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (một số nơi tới mùng 4 Tết), người Nam Bộ thường làm cơm cúng tổ tiên. Mâm cơm có thể thêm bớt bất kỳ món gì, nhưng nhất định phải có thịt heo kho hột vịt (trứng vịt) và canh khổ qua (mướp đắng).

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Thanh Lợi, không ai biết chính xác thời điểm thịt kho hột vịt và canh khổ qua xuất hiện trong ngày Tết của người miền Nam. Nhưng cả hai món này có ý nghĩa quan trọng trong bữa ăn ngày Tết xưa. Không chỉ mang đặc trưng văn hoá vùng miền, hai món ăn còn mang những yếu tố xã hội, phong tục, tâm linh gắn liền với đời sống người dân.





Những món ăn trong mâm cỗ Tết của người miền Nam.

Những món ăn trong mâm cỗ Tết của người miền Nam. Ảnh: Khổ Qua Đèo

“Bây giờ thịt thà ê hề, chứ 50-70 năm trước ở Nam Bộ không phải gia đình nào cũng có điều kiện bày thịt heo kho hột vịt, canh khổ qua trên mâm cơm cúng ngày Tết. Những gia đình nghèo xem đây là món ăn ‘sang trọng và xa xỉ’. Họ phải dành dụm cả năm để đến Tết mới dám mặc quần áo mới và ăn những món chế biến từ thịt heo với mong muốn sung túc”, ông Lợi nói.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm, trong nồi thịt heo kho hột vịt, miếng thịt vuông, quả trứng tròn là biểu tượng của âm dương cân bằng. “Hình ảnh quả trứng tròn là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, ước mong năm mới an khang, con đàn cháu đống, sung túc. Còn tên gọi trái khổ qua giải thích ước muốn mọi sự buồn khổ xui xẻo của năm cũ sẽ qua, đón nhận những điều tốt lành, thuận buồm xuôi gió trong năm mới”, ông Lợi cho hay.

Thịt heo kho là món ăn nhiều năng lượng, béo, nếu ăn với lượng nhiều và thường xuyên trong ngày Tết sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người thừa cân, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tim mạch, huyết áp. Trong khi đó, khổ qua có tính hàn, vị đắng, hàm lượng calo và carb thấp, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa. Vào những ngày Tết, thời tiết miền Nam thường oi nắng, ăn nhiều thịt, cá, giàu đạm dễ bị nóng. Một bát canh khổ qua thanh mát có vị đắng nhẹ, hậu ngọt, tạo nên sự đối lập cân bằng khẩu vị, giúp giải ngán.





Thịt heo kho hột vịt.

Thịt heo kho hột vịt. Ảnh: Lê Hữu Tường

Không chỉ riêng ngày Tết mà thịt heo kho hột vịt, canh khổ qua còn xuất hiện trong đời sống của người dân Nam Bộ như cúng đình, đám giỗ. Ngoài việc quan niệm “vuông tròn cho cân bằng, khổ nhọc rồi cũng qua” theo phong tục của ông bà xưa thì hai món ăn còn bổ trợ vị giác cho nhau trong mâm cơm.

Ông Nguyễn Thanh Lợi cho biết thêm: “Cách người miền Nam ăn Tết mỗi thời một khác. Nhưng cuộc sống là tổng hợp của những sự lựa chọn, những hợp lý sẽ được duy trì qua nhiều thời kỳ khác nhau, cho nên hột kho hột vịt, canh khổ qua vẫn là hai món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam bao đời nay”.

Sau khi cúng, con cháu sẽ là người thưởng thức bữa ăn. Người dân tâm niệm phần cơm sau khi cúng ông bà tổ tiên là phần lộc mà con cháu được hưởng. Để tránh phạm thượng, khi cúng thì múc thịt từ trong nồi lớn ra tô, khi ăn thì múc ra một nồi riêng nhỏ, nồi lớn để cúng tiếp những ngày khác, nên không được đổ thức ăn thừa vào hâm lại. Ngoài ý nghĩa tôn trọng thần linh, tôn trọng ông bà, làm vậy cũng có tính bảo vệ món ăn không bị biến mùi, biến vị.





Canh khổ qua nhồi thịt.

Canh khổ qua nhồi thịt. Ảnh: Lê Hữu Tường

Dù được giải thích thế nào thì món thịt heo kho hột vịt, canh khổ qua cũng trở thành món ăn quen thuộc với nhiều người, nhiều tầng lớp dù giàu hay nghèo ở miền Nam. Trước là đồ cúng ông bà tổ tiên, sau là để con cháu có cái ăn trong ngày Tết, cảm nhận được không khí sum vầy, dấu hiệu của một năm mới thuận buồm xuôi gió.

Henry Dương



Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *